Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bác bỏ lệnh chặn của thẩm phán liên bang, cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục nỗ lực giải thể Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra vào ngày 14/7 sau một cuộc bỏ phiếu của 9 thẩm phán Tòa án Tối cao, trong đó 3 người theo khuynh hướng tự do không ủng hộ động thái này.
Vào tháng 3, ông Trump đã ký sắc lệnh nhằm giải thể Bộ Giáo dục, với lập luận rằng cơ quan này đã bị những người theo chủ nghĩa tự do ‘chiếm dụng’ và không cải thiện được chất lượng học tập của quốc gia. Kể từ đó, chính quyền liên bang đã sa thải hàng loạt nhân sự, dẫn đến các động thái pháp lý từ phía nguyên đơn. Họ cho rằng tình trạng sa thải hàng loạt khiến Bộ Giáo dục Hoa Kỳ không thể thực hiện các trách nhiệm đang được quốc hội giao phó, như hỗ trợ giáo dục đặc biệt và phân bổ hỗ trợ tài chính.
Thẩm phán Myong Joun ở Massachusetts đã chặn nỗ lực của Tổng thống Trump vào cuối tháng 5, yêu cầu Bộ Giáo dục tuyển dụng lại gần 1.400 người. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm liên bang tại Boston nhưng bất thành, khiến Bộ Tư pháp Hoa Kỳ kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Thẩm phán theo khuynh hướng tự do Sonia Sotomayor cho rằng các đồng nghiệp bảo thủ đã ra quyết định ‘không thể biện minh’, khi cho phép ông Trump tiếp tục xóa bỏ một cơ quan mà theo quy định chỉ có quốc hội mới được phép giải thể.
Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Linda McMahon mô tả động thái của Tòa án Tối cao là ‘thắng lợi lớn cho các sinh viên và gia đình’. ‘Chúng tôi sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự để thúc đẩy hiệu quả và trách nhiệm, đảm bảo các nguồn lực được phân bổ đến những nơi quan trọng nhất là học sinh, phụ huynh và giáo viên’, bà nói.
Tuy nhiên, nhóm pháp lý theo khuynh hướng tự do Democracy Forward, đại diện cho các học khu và công đoàn giáo viên, cho biết quyết định của Tòa án Tối cao đã ‘giáng đòn nặng nề vào cam kết của Hoa Kỳ về nền giáo dục công cho toàn bộ trẻ em’. ‘Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi lựa chọn pháp lý khi vụ kiện tiếp tục được xét xử, để đảm bảo rằng tất cả trẻ em ở đất nước này đều được tiếp cận nền giáo dục công mà các em xứng đáng được hưởng’, bà Skye Perryman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức, tuyên bố.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ thành lập năm 1979 theo luật do quốc hội thông qua, chịu trách nhiệm giám sát khoảng 100.000 trường công lập và 34.000 trường tư thục tại Hoa Kỳ, dù 85% ngân sách cho trường công lập do chính quyền bang và địa phương đóng góp.